Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất quy trình phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển ven bờ; áp dụng thử nghiệm cho vịnh Đà Nẵng"

Chiều ngày 14 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn - Phó Tổng cục trưởng đã chủ trì họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài NCKH cấp Bộ "Nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất quy trình phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển ven bờ; áp dụng thử nghiệm cho vịnh Đà Nẵng" do Viện Nghiên cứu biển và hải đảo chủ trì thực hiện.

Hiện nay, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng đều có thể gây ra những tác động, ảnh hưởng hoặc làm ô nhiễm môi trường biển. Một loạt sự cố môi trường nghiêm trọng đã xảy ra, gây ô nhiễm vùng biển ven bờ, điển hình là sự cố ô nhiễm môi trường Formosa vào tháng 4/2016, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, kinh tế - xã hội của 4 tỉnh ven biển miền Trung. Trường hợp môi trường biển đã bị ô nhiễm, con người hoặc các hệ sinh thái phải đối mặt với các rủi ro. Về mặt lý thuyết và thực tế, các rủi ro này có thể tính toán, so sánh được thông qua các phương pháp phân tích rủi ro khác nhau. Vì vậy, việc phân tích rủi ro được sử dụng nhằm xác định mức ưu tiên để giải quyết các vấn đề ô nhiễm trên cơ sở độ lớn của rủi ro mà ô nhiễm gây ra đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái. Việc phân tích, đánh giá rủi ro ô nhiễm môi trường biển được các nhà khoa học, các nhà quản lý coi là một công cụ quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường có tính thực hành cao, tăng cường việc phòng ngừa trong bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng chứ không đơn thuần là một chủ đề nghiên cứu khoa học thuần túy.

Phân tích và đánh giá rủi ro ô nhiễm có thể giúp cho các nhà quản lý có những hiểu biết hay thông tin đủ để đưa ra các quyết định  trong việc lựa chọn phương án hợp lý để giảm nhẹ, khắc phục ô nhiễm. Đặc biệt, phân tích và đánh giá rủi ro ô nhiễm sẽ phát huy hiệu quả cao hơn trong những trường hợp mà nguồn lực để thực hiện hoạt động kiểm soát ô nhiễm bị hạn chế, có nhiều giải pháp, phương án khác nhau để lựa chọn hay trong trường hợp mà giá trị do các hoạt động có thể gây ô nhiễm mang lại chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, trong đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất quy trình phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển ven bờ; áp dụng thử nghiệm cho vịnh Đà Nẵng", chủ nhiệm và nhóm thực hiện đã tập trung vào việc xây dựng được quy trình phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường nước, môi trường trầm tích biển ven bờ có cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, phục vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển Việt Nam.

Theo ý kiến đánh giá của hội đồng, đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu đúng theo thuyết minh đã được phê duyệt đảm bảo chất lượng và tiến độ. Trong đó, Thông tư số 26/2016/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là một phần kết quả của đề tài.  Đồng thời, các thành viên hội đồng cũng có những ý kiến góp ý, kiến nghị để Đề tài hoàn thiện hơn, như rà soát lại việc phân mức tác động đến sức khỏe là dựa vào nguồn tác động đến phạm vi đó hay dựa vào đối tượng chịu ảnh hưởng và cần đồng nhất quan điểm trong phân mức; nên làm rõ cơ sở hay tiêu chí phân mức rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng trong phân mức rủi ro ô nhiễm môi trường biển ven bờ...

Kết luận cuộc họp,  PGS. TS. Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chủ tịch hội đồng, đã yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện cần nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo tóm tắt và các sản phẩm khác của Đề tài để trình Bộ nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài theo quy định.

Phạm Minh Dương

  • 10/23/2020 2:59:34 AM